Việc hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh với các trường đại học cũng chẳng khác gì ngành GT-VT tìm cách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân....
Trước thực trạng hơn 225.000 cử nhân, thạc sỹ ra trường không kiếm được việc làm, trở thành thất nghiệp, nhiều người phải dấu bằng cử nhân, thạc sỹ đi để vào làm công nhân, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 32, có hiệu lực từ ngày 1/2/2016, trong đó bắt buộc các trường đại học chỉ được đào tạo tối đa 15.000 sinh viên, các trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe chỉ được đào tạo tối đa 8.000 sinh viên hệ chính quy, còn khối ngành nghệ thuật tối đa 5.000 sinh viên…
Quy định này đang gây sóng gió trong các trường đại học và những cử nhân tương lai, tức là những học sinh đang chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông trung học vào năm 2016 này.
Nhiều đại học, như Đại học Cần Thơ, hiện đang đào tạo 32.405 sinh viên; Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đang đào tạo 30.487 sinh viên; Học viện Nông nghiệp Việt Nam 30.360 sinh viên; Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân… hiện đều đang đào tạo trên 20.000 sinh viên.
Chỉ được đào tạo tối đa 15.000 sinh viên, thế nghĩa là nhiều đại học phải giảm trên một nửa hoặc một nửa, một phần ba số sinh viên so với hiện tại. Một số lượng cơ sở vật chất khổng lồ như phòng thí nghiệm, giảng đường, ký túc xá… có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, sẽ trở nên dư thừa. Và kèm theo đó là hàng ngàn giảng viên, cán bộ công nhân viên, sẽ phải mất việc theo. Liệu họ có tìm được việc làm không? Hay là họ sẽ trở thành một đội quân mới, bổ sung thêm vào đội ngũ 225.000 cử nhân, thạc sỹ đang thất nghiệp kia?
Học đại học là nguyện vọng của đa số thanh niên. Việc các trường đại học được mở ra để đáp ứng nguyện vọng đó là hoàn chính đáng.
Vấn đề là đào tạo họ như thế nào? Và chất lượng đào tạo ra sao? Phân tích nguyên nhân có tới 225.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp kia, nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, việc đào tạo ở bậc đại học của ta có vấn đề. Thay vì đào tạo ra những nghề mà xã hội ta cũng như thế giới đang cần trong hiện tại và tương lai, thì các trường đại học ở ta chỉ đào tạo theo những gì mình có.
Kết quả là những ngành được đào tạo không phù hợp với yêu cầu của xã hội. Hoặc sinh viên ra trường chỉ được trang bị một mớ lý thuyết, còn kiến thức thực tế và những kỹ năng khác, đặc biệt là ngoại ngữ, thì không, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy, lẽ ra phải có chính sách hướng các trường đại học tới các mục tiêu trên, và nâng cao chất lượng đào tạo, thì Bộ GD-ĐT lại buộc các trường phải hạn chế chỉ tiêu đào tạo. Hóa ra, vẫn là thứ tư duy “không quản được thì cấm” cũ rích.
Việc hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh với các trường đại học cũng chẳng khác gì ngành GT-VT tìm cách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khi hạ tầng giao thông không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Kết quả là hàng chục năm nay, việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân chưa bao giờ trở thành hiện thực.
Trước thực trạng đào tạo như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng dù có hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh, thì các “ông cử” của ta, khi ra trường, vẫn cứ thất nghiệp như thường
>> 60% lao động không đủ sống bằng lương
VŨ HỮU SỰ
Nguồn: http://nongnghiep.vn/giam-sinh-vien-co-hop-ly-post155100.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét