Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Tổng đài ảo, giá trị thật

(TBKTSG Online) - Tổng đài ảo chỉ hệ thống tổng đài điện thoại được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây. Gọi là ảo vì người dùng không thấy thiết bị tổng đài phần cứng cũng như hệ thống dây cáp điện thoại. Nhưng lợi ích mà tổng đài ảo này mang lại là... thật.




Hãy thử hình dung, bạn là sếp một công ty hoạt động trong lĩnh vực bán hàng. Một ngày, bạn nhận được cuộc gọi từ một vị khách lạ với giọng giận dữ, phàn nàn về dịch vụ khách hàng và đề nghị xem lại thái độ nhân viên rồi đột ngột cúp máy. Bạn gọi lại, họ cũng không buồn bắt máy.

Trong số nhân viên của bạn, ai đã nói chuyện với khách hàng này? Nói khi nào và nói những gì?

Nếu bạn sử dụng hệ thống tổng đài truyền thống, sẽ khó để có câu trả lời. Khó chứ không phải là không thể. Rõ ràng, bạn có thể tập hợp nhân viên phòng kinh doanh lại, và hỏi ai đã gọi cho số điện thoại vừa rồi? Có thể ai đó sẽ giơ tay và tường thuật sự việc. Nhưng ngay cả khi đó, không chắc bạn được nghe kể lại 100% câu chuyện.



Với tổng đài ảo, vấn đề trên nhanh chóng được giải quyết bởi tất cả các cuộc gọi đến và đi đều được ghi âm và lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu đặt trên... đám mây. Bạn chỉ cần truy cập vào dữ liệu, nhập số điện thoại của khách hàng và bấm nút tìm kiếm. Kết quả sẽ hiện ra ngay.

Ví dụ trên cho thấy một trong những ưu điểm của hệ thống tổng đài ảo, đó là khả năng ghi âm cuộc gọi và quản lý các file ghi âm này như một tập dữ liệu thông thường, có thể truy cập bất cứ lúc nào khi cần. Điểm này, về cơ bản, khác với tổng đài truyền thống, khi doanh nghiệp phải đợi đến tháng mới nhận được kết quả tổng kết từ nhà mạng cung cấp.

Nói thêm về việc ghi âm, tính năng này hữu ích với các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng. Đặt tình huống như doanh nghiệp vừa thực hiện một khóa đào tạo về sản phẩm mới cho nhân viên. Các nhân viên, sau đó, gọi điện giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Việc ngẫu nhiên nghe lại một cuộc trò chuyện sẽ giúp doanh nghiệp biết nhân viên mình hiểu sản phẩm đến đâu qua khóa đầu tạo. Từ đó, có những điều chỉnh cần thiết.

Bây giờ, xin điểm qua một số bài toán mà doanh nghiệp gặp phải khi dùng tổng đài truyền thống.

Với tổng đài truyền thống, đặt tình huống công ty còn nhỏ, bạn sử dụng tổng đài điện thoại, giả sử như của Panasonic, loại 3x8, tức đầu vào gồm ba đường đấu cáp điện thoại nối với nhà mạng; đầu ra là tám máy lẻ nội bộ.

Với tổng đài này, bạn chỉ có thể xử lý ba cuộc gọi cùng lúc. Nếu hiện đang có hai khách hàng gọi đến công ty, đồng thời, trong công ty có một cuộc gọi ra ngoài, thì khi có thêm khách hàng thứ ba gọi đến, máy sẽ báo bận và bạn không biết số gọi nhỡ từ ai.

Khi công ty phát triển, cần mở rộng hệ thống, bạn phải sử dụng tổng đài mới là 6x16 hoặc 8x24. Lúc này, bạn cần phải mua tổng đài mới và bỏ đi tổng đài cũ.

Tình huống thứ hai, khi bạn chuyển công ty đến một địa điểm mới, bạn buộc phải đổi số điện thoại và đi lại hệ thống dây mới để kết nối với bưu điện.

Tình huống thứ ba, khi bạn cần thông tin báo cáo các cuộc gọi trong tuần, trong ngày hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, tổng đài truyền thống không cung cấp được thông tin yêu cầu theo thời gian thực mà phải đợi cuối tháng, lúc nhà mạng tổng kết và gửi báo cáo.

Với ba vấn đề trong những tình huống trên, tổng đài ảo đều có lời giải rốt ráo.

Ngoài ra, nhờ được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây nên tổng đài ảo có thể kết nối với phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng (Customer Relationship Management). Điều này giúp doanh nghiệp có thể nhận diện khách hàng ngay khi họ gọi đến. Nhận diện ở đây không chỉ là số điện thoại mà kèm theo đó là thông tin về khách hàng và lịch sử giao dịch trước đó.

Để sử dụng tổng đài ảo, doanh nghiệp cần đăng ký sử dụng dịch vụ từ nhà cung cấp. Về phía mình, doanh nghiệp chỉ cần có đường truyền internet và điện thoại IP đầu cuối mà không cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng cáp điện thoại, thiết bị tổng đài phần cứng; nhờ vậy cũng giảm đi các chi phí vận hành và bảo trì.



>> Dịch vụ tổng đài ảo MP Cloud Call Center/Contact Center

Mức phí thông dụng dành cho 10 người dùng đồng thời là 300.000 đồng/tháng; 500.000 đồng/tháng cho 20 người và 1.000.000 đồng/tháng cho 50 người. Lưu ý, mức phí trên thay đổi tăng, giảm tùy từng nhà cung cấp. Hiện nay, một số nhà cung cấp còn cho phép khách hàng dùng thử để trải nghiệm trước khi quyết định. Điểm nhanh trên thị trường, ta thấy có rất nhiều nhà cung cấp như Voicecloud.vn, Mitek.vn, Antbuddy.vn, MP TELECOM …

Tổng đài ảo (còn có những tên gọi khác là tổng đài cloud, tổng đài PBX, tổng đài IP) không phải là một khái niệm mới. Dịch vụ này xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm nay. Tuy vậy, theo chia sẻ của những người trong ngành, hiện số lượng doanh nghiệp biết đến và sử dụng vẫn còn hạn chế. Lý do một phần do các công ty cung cấp dịch vụ này được sáng lập bởi những người đa phần xuất thân từ khối kỹ thuật. Họ không mạnh trong khâu quảng bá sản phẩm cũng như gặp khó khăn trong việc chuyển đổi ngôn ngữ kỹ thuật chuyên ngành sang ngôn ngữ đời thường để những người làm kinh doanh có thể hiểu được.

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Call center thời 4.0: Cuộc chạy đua giữa chat bot và con người trong ngành công nghiệp hàng chục tỷ USD của Philippines

Trong kịch bản lạc quan, những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn chỉ có thể khiến số lượng việc làm tại các call center bị sụt giảm, còn trong kịch bản tệ nhất những việc làm này có thể biến mất.


Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có bước chuyển mình ngoạn mục chỉ bởi 1 ngành công nghiệp tương tự như Philippines đã làm được với các tổng đài chăm sóc khách hàng (call center). Những việc làm đầu tiên trong mảng dịch vụ ủy thác nghiệp vụ kinh doanh (BPO) xuất hiện lần đầu tiên từ những năm 1990, bao gồm những công việc từ trả lời điện thoại đến xử lý hóa đơn, hầu hết là phục vụ các doanh nghiệp và Chính phủ các nước phát triển.

Hiện tại, dịch vụ Call Center mang về cho Philippines khoảng 23 tỷ USD một năm. Tới năm 2022, con số này được kỳ vọng tăng lên tới 39 tỷ USD. Đây cũng là ngành công nghiệp tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất ở Philippines trong lĩnh vực tư nhân, với khoảng 1,2 triệu người vào năm 2016. Ngành BPO của nước này đã vượt qua cả Ấn Độ, nước có số dân lớn gấp 12 lần.

Tuy nhiên, chính Philippines cũng đang đứng trước những thách thức lớn mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong kịch bản lạc quan, những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn chỉ có thể khiến số lượng việc làm tại các call center bị sụt giảm, còn trong kịch bản tệ nhất những việc làm này hoàn toàn có thể biến mất.

Xem thêm:  Trí tuệ nhân tạo và Quản lý lực lượng lao động giúp tối ưu hóa năng suất nhân viên năm 2019

Bị đe dọa bởi chat bot

Các công ty đặt call center ở Philippines vì 4 lý do. Thứ nhất thị trường viễn thông của nước này được chính phủ hậu thuẫn với những quy định lỏng lẻo, giúp giảm đáng kể chi phí. Bên cạnh đó Philippines coi đây là 1 ngành xuất khẩu quan trọng và áp dụng chính sách thuế rất ưu đãi. Lý do quan trọng nhất là sự dễ chịu mà các nhân viên tổng đài Philippines mang lại với khả năng nói tiếng Anh rất chuẩn và sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Mỹ.

Tuy nhiên, phần lớn công việc xử lý các cuộc điện thoại và xử lý dữ liệu mà các công ty nước ngoài thuê người Philippines thực hiện đều là công việc rất đơn giản và có tích chất lặp đi lặp lại. Blue Prism (1 công ty công nghệ của Anh) đã làm ra các robot có thể xử lý tốt các công việc này với tốc độ nhanh hơn và chi phí rẻ hơn đáng kể.

Ngành công nghiệp đóng góp cho GDP Phillipines khoảng 23 tỷ USD mỗi năm (tương đương gần 10% GDP) có thể dần dần biến mất. Khoảng 1,2 triệu việc làm có thể biến mất trong 3-5 năm tới, và nhiều người đang cố gắng tìm kiếm 1 công việc khác.

Các công ty phương Tây cũng ngày càng khuyến khích khách hàng tương tác qua e-mail và trò chuyện trực tuyến - công việc hoàn toàn có thể thực hiện bởi các chat bot. Với công nghệ máy học (machine learning), các chat bot này càng hoạt động nhiều thì càng có thể đưa ra câu trả lời chính xác hơn, thông minh hơn.

Xem thêm: Tự động hóa chinh phục những điều bất khả thi trong Call Center hiện đại

Lối thoát cho Philippines

Dẫu vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Philippines vẫn còn có hi vọng nếu như các call center để cho máy móc làm những công việc đơn giản trong khi các nhân viên của họ chuyển sang đảm nhiệm những công việc phức tạp hơn như xoa dịu các khách hàng đang giận dữ hoặc thuyết phục khách mua các sản phẩm dịch vụ có giá trị cao hơn.

Tăng cường kết nối cảm xúc với khách hàng là 1 cách để các call center của Philippines có thể chống lại làn sóng tự động hóa. Chính yếu tố con người sẽ tạo ra sự khác biệt cho bất kỳ công ty nào hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

Các doanh nghiệp có thể tìm thấy sự cân bằng bằng cách sử dụng công nghệ mới để cắt giảm chi phí và mở rộng tệp khách hàng. Đặc biệt là các công ty nhỏ hơn từng bị tụt lại phía sau vì không có đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh giờ đây có thể tận dụng công nghệ để mở rộng.

Jojo Uligan tại Hiệp hội Call Center cho biết tổ chức của ông đang làm việc với các trường phổ thông và trường đại học để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng giải quyết vấn đề mà các thuật toán chưa giải quyết được.

Khả năng cải thiện của các robot nhanh đến đâu sẽ là câu hỏi có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc chạy đua giữa con người và máy móc tại các call center. Kết quả của cuộc đua này quan trọng không chỉ đối với Philippines mà còn đối với nhiều quốc gia phải dựa vào những ngành sản xuất đơn giản và back-office để thoát khỏi đói nghèo.

Tổ chức lao động quốc tế ILO mới đây cảnh báo hàng triệu người đang làm việc trong các nhà máy dệt may và ô tô ở châu Á đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì tự động hóa, trong đó Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Thái Lan đặc biệt dễ bị tổn thương. Và không chỉ có call center, kể cả những ngành đòi hỏi kỹ năng cao hơn như các công ty luật và hãng tin tài chính cũng đang bị đe dọa

Thu Hương
Theo Trí thức trẻ

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Chi tiết đổi toàn bộ thuê bao di động 11 số sang 10 số

(NLĐO)- Sáng nay, 29-5, Bộ TT-TT chính thức công bố chuyển đổi khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số sang thuê bao 10 số của tất cả các nhà mạng từ ngày 15-9-2018 và kết thúc vào ngày 30-6-2019.
dịch vụ hotline đầu số di động
Sáng nay, 29-5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chính thức công bố việc chuyển đổi số thuê bao di động 11 số sang 10 số của tất cả 5 nhà mạng gồm: Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel và Vietnamobile.

Theo Bộ TT-TT, có khoảng 60 triệu thuê bao 11 số sẽ chuyển sang thuê bao 10 số từ ngày 15-9-2018 và kết thúc vào ngày 30-6-2019. Ngoài ra còn có 700 thuê bao VSAT tiến hành đổi số.

Các thuê bao 11 số sẽ chuyển sang 10 số từ 15-9
Bộ TT-TT cho biết việc chuyển đổi lần này không ảnh hưởng gì đến thuê bao 10 số hiện nay của các đầu số 090, 091, 098, 097, 092… mà chỉ tác động đến khoảng 60 triệu thuê bao 11 số. Các thuê bao 11 số khi chuyển sang thuê bao 10 số sẽ được giữ nguyên 7 số cuối. Ví dụ số thuê bao 11 số của VinaPhone là 0123.4567890, thì sau khi chuyển sang 10 số sẽ quay 083.4567890. Theo đó chỉ thay mã mạng cũ (123) sang mã mạng mới là (83).

Theo thông báo của Bộ TT-TT, thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037,038, 039. Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0123, 0126, 0128 sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076, 078. Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082.

Thuê bao 11 số của Vietnamobile và Gtel sẽ chuyển sang thuê bao 10 số đầu số 05x. Cụ thể thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile sẽ được đổi sang đầu số 056, 058. Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059. Như vậy, về cơ bản thuê bao của Vietnamobile và Gtel sẽ giữ được 8 số cuối khi chuyển sang thuê bao 10 số.

Việc chuyển đổi bắt đầu từ ngày 15-9-2018 và kết thúc vào ngày 30-6-2019. Khi tiến hành chuyển đổi các nhà mạng sẽ phải quay số song song (duy trì cả số cũ và số mới) từ ngày 15-9-2018 đến ngày 14-11-2018 và duy trì âm báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh để hướng dẫn quay theo cách mới. Điều này sẽ giảm thiểu ảnh hưởng cho khách hàng trong quá trình diễn ra đổi số thuê bao.

Cũng theo Bộ TT-TT, khi đổi số thuê bao, các nhà mạng cung cấp dịch vụ phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng và cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày.

Nhà mạng sẽ phải duy trì âm thông báo trong thời gian khoảng 7,5 tháng kể từ thời điểm kết thúc quay số song song.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết với quy hoạch kho số mới, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người và khoảng 1 tỉ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị để phát triển internet vạn vật.

Đại diện Bộ TT-TT giải thích việc phải đổi số do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới ra đời và phát triển. Trước đây chỉ có điện thoại cố định, chưa có điện thoại di động thì nay đã có dịch vụ di động từ 2G đến 4G và sắp tới là 5G, kết nối internet vạn vật. Vì vậy, cần phải quy hoạch lại kho số viễn thông quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, giao thông thông minh, y tế thông minh, điện lực thông minh, phục vụ cách mạng 4.0 và tránh tình trạng thiếu kho số di động và thừa kho số cố định.

Bộ TT-TT khẳng định việc quy hoạch kho số viễn thông quốc gia là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trước đó, từ năm 2007, khi Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) chính thức cấp đầu 11 số cho các mạng di động thì thị trường đã không mặn mà với đầu số này. Nhiều thuê bao 10 số chia sẻ rằng họ không muốn nghe những số thuê bao 11 số gọi đến vì đây thường là những thuê bao tiếp thị, quảng cáo sản phẩm… Thêm vào đó, những thuê bao 11 số thường được sử dụng vào việc phát tán tin nhắn rác nên tâm lý nhiều người kỳ thị với SIM 11 số. Theo báo cáo của các mạng di động thì tỉ lệ thuê bao đầu số 10 số rời mạng ít hơn thuê bao có đầu 11 số.

Bảo Trân

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Đi làm 2/9, người lao động được nhận tối thiểu 400% lương


Lịch nghỉ lễ 2/9 năm nay, người lao động được nghỉ 3 ngày liên tục. Vậy, nếu phải làm việc trong những ngày nghỉ này thì người lao động sẽ được nhận mức lương như thế nào?

Cách tính lương cho người lao động nếu đi làm dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 căn cứ theo Bộ Luật lao động.

Cụ thể, theo điểm đ khoản 1 Điều 115 của Luật Lao động năm 2012, người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ thì được hưởng 100 % lương.

Cùng với đó, căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 97 của Bộ luật Lao động 2012, nếu người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ còn được nhận tiếp tối thiểu khoản tiền bằng 300 % mức lương làm việc trong ngày đó.

Như vậy, người lao động sẽ được nhận tối thiểu tổng cộng là 400% lương ngày bình thường nếu đi làm dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Ngoài ra, nếu người lao động làm thêm vào ban đêm của ngày nghỉ lễ sẽ được hưởng thêm 30% tiền lương của ngày bình thường.

Tuy nhiên, quy định trên chỉ là “nền” tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động. Luật Lao động luôn khuyến khích người sử dụng lao động trả mức lương cao hơn cho người lao động.

Về tiền thưởng, theo khoản 1 điều 103 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động để quyết định thưởng cho người lao động. Khoản tiền thưởng dịp Quốc khánh 2/9 của người lao động là không bắt buộc và do người sử dụng lao động quyết định.

Nguồn: http://infonet.vn/di-lam-29-nguoi-lao-dong-duoc-nhan-toi-thieu-400-luong-post235639.info

>> Khi giao tiếp với sếp cần tránh những câu nói đại kỵ nào?

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Khi giao tiếp với sếp cần tránh những câu nói đại kỵ nào?


Đặt cái tôi quá cao hay tỏ thái độ tiêu cực sẽ khiến bạn bị mất điểm trầm trọng trong mắt người quản lý.

Làm thế nào để bạn được coi trọng và đánh giá cao? Hãy tránh ngay 11 điều dưới đây.
Những cụm từ nào nên tránh trong các cuộc trò chuyện với người quản lý trực tiếp của bạn.

“Điều đó không thể thực hiện được”

Đây là một câu nói mà không nhà quản lý nào muốn nghe từ miệng nhân viên của mình.

Khi chúng ta thực sự muốn thực hiện một điều gì đó thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ ra cách để hoàn thành nó. Khi bắt tay vào thực hiện thì giải pháp mới thực sự xuất hiện, đó mới chính là chìa khóa cho sự đổi mới chứ không phải sự dập tắt nỗ lực từ ban đầu.

“Chúng ta đã luôn luôn làm theo cách này”

Các nhà quản lý thường muốn nhân viên của mình tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở. Tuy nhiên, cụm từ “Chúng ta đã luôn luôn làm theo cách này” là một điều các sếp thực sự không thích nghe. Cụm từ này trái ngược với các giá trị của một nền văn hoá làm việc cộng tác và cởi mở, sẵn sàng tiếp thu ý kiến để thay đổi cho tốt hơn.

“Nếu tôi không được tăng lương, tôi sẽ nghỉ việc”

Bạn không nên đe dọa người quản lý của bạn cho dù bạn có thể nghĩ rằng việc này sẽ thành công. Sếp bạn cũng có thể nghĩ rằng: Okay, nếu bạn muốn thì bạn cứ việc nghỉ việc. Rõ ràng bạn sẽ gặp bất lợi trong tình thế này, vì vậy hãy thận trọng và khôn khéo trong cách ứng xử để không phải hối hận khi hành động thiếu khôn ngoan.

“Tôi đã quyết định thay đổi một công việc mới vì tôi không hài lòng với công việc ở đây”

Nếu không tìm thấy niềm vui và tương lai trong công việc, đừng vội trách móc người quản lý của bạn vì có thể do chính bạn chưa nỗ lực và cởi mở với họ. Sẽ rất không công bằng nếu bạn không cho người quản lý cơ hội sửa chữa vấn đề hoặc giúp nhân viên tìm ra vai trò mới trong tổ chức.

Điều quan trọng là phải cho ông chủ của bạn có cơ hội làm mọi thứ để đáp ứng nhu cầu của bạn trước khi bạn quyết định từ bỏ công việc. Hầu hết các nhà quản lý cũng muốn nhân viên của mình chia sẻ những vấn đề của họ sớm hơn trước khi đi đến quyết định bỏ việc.

“Tôi bị quá tải trong công việc”

Dù bạn gắn bó với nơi làm việc và tỏ ra thân thiết với nhà quản lý của mình nhưng cũng đừng vì thể mà tỏ ra thiếu chuyên nghiệp trong cách ứng xử của mình, bởi vì họ vẫn là giám sát của bạn và nơi làm việc cũng cần có sự nghiêm túc. Nếu trễ deadline hay bị quá tải, hãy tự tìm cách sắp xếp để hoàn thành đúng trách nhiệm được giao thay vì phàn nàn với sếp.

“Tôi nên làm gì?”

Khi gặp bất cứ vấn đề nào cần hỏi người quản lý, bạn hãy tìm hiểu kỹ những gì cần hỏi hoặc tìm trước những giải pháp để trình bày với các sếp chứ không nên hỏi họ rằng bạn nên làm gì.

“Chúng ta đã không đạt được mục tiêu bởi vì ...”

Biện hộ sẽ không giúp bạn có được bất cứ thứ gì mà bạn muốn. Câu này thường xuất phát từ các công ty hoặc nhân viên thất bại, và họ thường đổ lỗi cho sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, thời tiết, tính thời vụ và một danh sách các lý do khác. Hãy giải quyết các vấn đề ngay khi bạn nhận ra chúng, thay vì đợi đến khi thất bại mới viện lý do.

“Tôi chán!”

Một người quản lý có thể thấy sự 'buồn chán' của bạn trong công việc và họ sẵn sàng gửi một lá thư cảnh báo rằng bạn đang kéo tinh thần cả đội đi xuống. Nếu bạn đang gặp một vấn đề nào đó khiến bạn cảm thấy chán, hãy học cách tìm ra giải pháp và đưa ra ý kiến cải tiến công việc cho người quản lý để nhờ sự hỗ trợ từ họ. Biết đâu nó sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn và bạn sẽ nhận được sự đánh giá cao từ họ.

“Tôi không muốn làm việc cùng anh ấy / cô ấy”

Mâu thuẫn cá nhân là điều không tránh khỏi ở nơi làm việc, nhưng đừng nói với sếp của bạn rằng bạn không thể làm việc với ai đó trong tổ chức, mà điều quan trọng trước tiên bạn cần làm là giải quyết xung đột.

Nếu bạn gặp vấn đề nghiêm trọng khi bị quấy rối ở nơi làm việc, hãy báo cáo với bộ phận nhân sự của công ty để được hỗ trợ. Nhưng nếu chỉ do cảm tính không thích đồng nghiệp của bạn, đừng dựa vào sếp để làm trọng tài và khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.

Điều này làm cho các nhà lãnh đạo gặp khó khăn. Họ sẽ nghĩ bạn đang đưa ra yêu sách: Người đó và tôi, anh chọn ai? Nếu làm điều đó, bạn đã đặt mình vào nguy cơ bị mất việc. Thay vào đó, hãy dành thời gian để tìm hiểu về những người bạn cùng làm việc - có thể là về cá nhân, sở thích của họ để tìm ra những điểm chung giúp làm việc tốt hơn, điều này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Bạn có thể làm việc với bất cứ ai nếu bạn học cách giao tiếp có hiệu quả.

“Ôi trời ơi, sẽ có nhiều việc để làm lắm đấy!”

Không ai muốn có những người nhân viên luôn than phiền.

Các nhà quản lý mong đợi thái độ tích cực từ nhân viên của họ hơn là những lời than phiền, bởi vì đây là công việc của họ và họ được trả lương để làm công việc này.

“Đó không phải là công việc của tôi”

Tuyệt đối đừng nói điều này nếu bạn không muốn đặt sếp trong tình trạng khó xử khi yêu cầu bạn làm điều gì đó.

Ngay cả khi nó không phải là công việc của bạn, nhà quản lý vẫn không muốn nghe bạn thẳng thắn từ chối. Bạn có thể bị kiệt sức vì làm quá nhiều công việc nhưng câu nói này là điều không thể chấp nhận được từ góc độ quản lý. Nghe có vẻ khó khăn, nhưng điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và tinh thần không hợp tác trong công việc.

Ngay cả khi một nhiệm vụ đó không phải là một phần công việc của bạn, hãy giữ một thái độ cởi mở. Điều quan trọng khi làm việc tập thể là sự cân bằng, hỗ trợ lẫn nhau để trở thành một công ty mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Điều quan trọng là nhân viên có thể “xắn tay áo” sẵn sàng tham gia bất cứ việc gì, ngay cả khi việc đó có thể khác một chút so với công việc hàng ngày của họ.

Tổng hợp theo Business Insider / VietnamWorks / HR Insider