Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

5 sai lầm các startup châu Á thường gặp khi huy động vốn

Công ty chuyên hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tại Trung Quốc SOSV với tài sản trị giá 250 triệu USD, chỉ chấp nhận đầu tư 3% số hồ sơ họ nhận được mỗi năm. Qũy đầu tư Beenext tại Nhật Bản và Singapore hỗ trợ vốn cho 60 trong danh sách 1.000 dự án đang huy động vốn. Đây là 2 ví dụ ngẫu nhiên cho thấy, tỷ lệ bị từ chối khi kêu gọi đầu tư, hỗ trợ vốn của các dự án khởi nghiệp tại châu Á rất cao.

“Bạn có tạo ra thứ mà mọi người yêu thích hay tạo ra hiệu quả thực sự trong kinh doanh hay không? Nếu sản phẩm không có sức thuyết phục, bạn sẽ không thể nhận được tiền đầu tư”, William Bao Bean, cổ đông lớn tại SOSV cho biết.

Không tận dụng hết mọi nguồn lực

Một doanh nhân thông minh với ý tưởng tốt có thể huy động tiền đầu tư bằng nhiều cách. Trong đó, cách thông dụng nhất để huy động vốn đối với các doanh nhân khởi nghiệp trẻ tuổi chính là bắt đầu từ các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè.

Kanika Tekriwal, CEO và người sáng lập JetSetGo, chỉ cần 100 USD để bắt đầu công việc kinh doanh của mình. JetSetGo là dịch vụ bảo dưỡng và cho thuê các máy bay cá nhân tại Ấn Độ, mới đi vào hoạt động được 20 tháng. Hiện tại, Công ty thu về nửa triệu USD mỗi tháng. Ngay từ thời điểm bắt đầu, một nhà đầu tư đã đề nghị bỏ vốn hỗ trợ JetSetGo, tuy nhiên Kanika từ chối, bởi anh biết mình có thể tự xoay sở đủ để bắt đầu.

Trao đổi với Forbes Asia tại Hội nghị “Under 30”, Kanika cho biết, “100% chúng ta đều có “ngân hàng” riêng, vấn đề là tận dụng nó”.

Thay vì vội vã đi tìm các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các doanh nhân trẻ khởi nghiệp cần biết cách tận dụng hết mọi khả năng và nguồn lực của mình để bắt đầu.

Thổi phồng mọi thứ

Các ứng viên nộp hồ sơ tới các công ty/quỹ đầu tư thường thổi phồng quá mức về giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cung cấp. Hironori Maeda, cổ đông Beenext cho biết: “Thứ giúp chúng tôi xác định được một dự án khởi nghiệp nên đầu tư là việc người sáng lập biết cách trả lời các câu hỏi, hoặc ít nhất là biết phải tìm câu trả lời ở đâu. Công ty/quỹ đầu tư sẽ đánh giá hồ sơ dựa vào những câu trả lời khi phỏng vấn, trong đó quan trọng nhất là câu hỏi về việc họ sẽ làm gì khi lượng khách hàng giảm sút. Các ứng viên cần chứng tỏ họ không chỉ quan tâm tới việc tìm được nguồn vốn mà còn cân nhắc tới việc duy trì hoạt động kinh doanh lâu dài trong những tình huống khó khăn”.

Không biết cách giới thiệu dự án đúng mục tiêu

Với sự phát triển của hoạt động gây quỹ cộng đồng, các dự án khởi nghiệp có thể thông qua hình thức này huy động được nguồn vốn cần thiết để bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đôi khi những người sáng lập quá quan tâm tới việc nguồn vốn huy động được sẽ giúp họ làm gì mà quên mất vấn đề thực sự là phải “lay động” được trái tim của mọi người.

Tengku Syamil, CEO và người sáng lập Skolafund, một công ty chuyên tư vấn gây quỹ cộng đồng tại Malaysia cho biết: “Các doanh nhân trẻ khởi nghiệp thường chỉ thể hiện rằng, “dự án kinh doanh của tôi nếu thành công sẽ thay đổi thế giới, nhưng tôi quá nghèo để bắt đầu bây giờ”. Trong khi, điều họ cần làm là sáng tạo để tự giới thiệu về bản thân, về sản phẩm, về ý nghĩa của dự án này với mọi người. Nhìn chung, nhiều người chưa biết cách để triển khai một chiến dịch hiệu quả”.

Nhanh chóng từ bỏ khi bị từ chối

Các hãng đầu tư tại châu Á có chung nhận định rằng, các dự án khởi nghiệp thất bại khi kêu gọi đầu tư thường có xu hướng biến mất. Những người sáng lập các dự án start up sẽ nhanh chóng bỏ cuộc, một phần vì khó khăn khi không đủ tiền để duy trì hoạt động, một phần vì không tìm cách cải tiến và nản lòng.

“Nếu bạn đang còn trẻ, chưa có gia đình, chưa có gì để mất, bạn vẫn có thể về sống với cha mẹ để tiết kiệm chi phí và huy động thêm vốn từ người thân. Nếu bạn đã đi làm, bạn có thể quay về làm công việc cũ và tìm cách để sản phẩm của mình trở nên thu hút hơn nữa. Vấn đề là bạn không dễ dàng bỏ cuộc”, Tim Chae, 25 tuổi, từng là người sáng lập nhiều dự án khởi nghiệp, hiện là thành viên của quỹ đầu tư 500 Starups cho biết.
>> dich vu ban hang qua dien thoai
>> Những câu nói truyền cảm hứng từ tỷ phú Larry Ellison
Lam Phong (Theo Forbes)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét