Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị ngừng tổ chức bình chọn của VCCI vì lý do, nội dung đưa ra không chính xác, không hợp lý, không hợp tình và thiếu hiểu biết về tổ chức CĐ.
Sáng nay 16-5, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ký văn bản phúc đáp Công văn số 1013/PTM-PC ngày 5-5-2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc “Cung cấp thông tin thêm cho cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”.
Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh xuất phát từ vai trò, vị trí của Tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, trong sựu nghiệp phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Đảng và Nhà nước đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách, pháp luật liên quan đến cơ chế bảo đảm các điều kiện cần thiết cho Công đoàn hoạt động, trong đó Luật Công đoàn năm 1957, Luật Công đoàn năm 1990 và Nghị quyết số 20/NQ-BCHTW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về “Tiếp tục xây dựng Giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa đất nước” đã quy định về tài chính Công đoàn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả gần 55 năm qua.
Kế thừa Luật Công đoàn năm 1957, Luật Công đoàn năm 1990 và thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-BCHTW. Ngày 20-6-2012 Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 01-1-2013.
Ngay sau khi Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 191/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về Tài chính Công đoàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành các quy định về phân cấp thu, phân phối, sử dụng và quản lý nguồn thu Tài chính Công đoàn.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định Luật Công đoàn năm 1957, Luật Công đoàn năm 1990, Luật Công đoàn năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều có quy định về kinh phí Công đoàn và quy định này đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho Tổ chức Công đoàn chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Tổ chức Công đoàn theo quy định của Hiến pháp và thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao.
Tổng LĐLĐ Việt Nam không đồng tình với việc tổ chức cuộc bình chọn trên của VCCI, nhất là việc bình chọn những quy định không tốt đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội của giai cấp công nhân và những người lao động. “Việc bình chọn này đã phủ nhận một quy định tốt cho người lao động mà gần 55 năm qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã quan tâm chăm lo cho người lao động và Tổ chức Công đoàn” - Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị VCCI dừng việc làm trên, nhất là trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương về hoạt động của Công đoàn Việt Nam khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi Hiệp định TPP.
Theo Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam, Luật Công đoàn 2012 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 20-6-2012 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII với 450/474 đại biểu tán thành (chiếm 90,18%). Luật Công đoàn là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định địa vị pháp lý, vai trò, trách nhiệm của CĐ và cơ chế thực hiện các chức năng của tổ chức.
Vì vậy, ngày 13-5, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đề nghị chỉ đạo Đảng đoàn VCCI ngừng tổ chức bình chọn đối với Luật Công đoàn 2012 vì những nội dung, lý do mà VCCI đưa ra không chính xác, không hợp lý, không hợp tình và thiếu hiểu biết về tổ chức CĐ.
>> Hồ sơ Panama công bố đêm nay sẽ có gì
Nguồn: http://nld.com.vn/cong-doan/phu-nhan-mot-quy-dinh-cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-2016051612075852.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét