Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Thương hiệu người lãnh đạo

3 ngày sau chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, dư âm của nó vẫn còn rất thú vị. Biểu hiện rõ nét là những bài viết tổng hợp về ông vẫn trở thành “món ăn” hút khách trên các trang báo.


Đặc biệt, tour thăm quan khách sạn JW Marriot và phòng tổng thống ở trong 2 ngày tại Hà Nội đã thu hút rất nhiều phóng viên tham gia. Tại đây, không một nhân viên khách sạn nào kiệm lời ngợi khen Tổng thống, bởi từng hành vi, cử chỉ của ông đã thực sự chạm vào trái tim của họ.

Ai xem trực tiếp clip về cuộc trò chuyện của Obama với các bạn trẻ tại TP. HCM cũng có nhiều cảm xúc bởi sự thân thiện và gần gũi của ông. Phút ban đầu, khi đứng lên bục phát biểu, ông vẫn đóng nguyên bộ suit trang nghiêm. Tuy nhiên, đến khi bắt đầu màn chia sẻ, Tổng thống Mỹ bỗng cởi áo ngoài rồi xắn tay áo sơ mi lên.

Chứng kiến hành động này, cảm xúc thật khó tả. Cởi bỏ tấm áo ngoài, Obama đã rũ bỏ hình ảnh xa cách của một nguyên thủ quốc gia, biến thân thành một người đàn ông bình thường để chia sẻ với những bạn trẻ về kinh nghiệm sống, những trải nghiệm và kiến thức mà mình đã tích lũy được.

Rõ ràng là người ta nhớ đến Obama không chỉ vì ông là Tổng thống Mỹ, mà thương hiệu cá nhân của ông đã trở thành một tài sản lớn của đất nước và với cả những nơi đã lưu dấu kỷ niệm với ông.

Nhìn từ góc độ DN, thương hiệu cá nhân của các lãnh đạo DN nếu tích cực cũng chính là tài sản vô hình rất lớn. Nhiều chuyên gia tài chính uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, uy tín và thương hiệu của bà Mai Kiều Liên, vị lãnh đạo đã có công lớn cho việc gây dựng cơ ngơi Vinamilk như ngày hôm nay, chiếm ít nhất 20% giá trị vốn hóa thị trường của thương hiệu này trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tương tự là giá trị thương hiệu mà ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT tạo ra, cũng được định giá khoảng 10% vốn hóa FPT...

Trên thế giới, thương hiệu cá nhân của nhà lãnh đạo DN rất được coi trọng. Bởi nếu biết cách xây dựng và giữ gìn thương hiệu cá nhân của lãnh đạo DN, đồng hành với việc xây dựng thương hiệu mạnh cho DN, thương hiệu đó sẽ có được sức cộng hưởng vô cùng lớn để tạo được ấn tượng, thiện cảm và sự gắn kết bền lâu.

Trong một DN, lãnh đạo là người đại diện tiếp xúc với nhiều nhóm đối tượng công chúng như cổ đông, đối tác, nhân viên, khách hàng. Bởi vậy, dù muốn hay không, hình ảnh của họ sẽ tác động rất nhiều đến niềm tin và thiện cảm của công chúng dành cho DN. Một thương hiệu lãnh đạo tốt cũng chính là một loại “kháng thể” giúp DN dễ dàng vượt qua sóng gió. Bởi lẽ khi công chúng thấu hiểu và tin tưởng vào những người đứng đầu của DN, khi có bất cứ sự cố gì đi ngược lại với những giá trị nhất quán mà lãnh đạo DN và thương hiệu đó đã gây dựng được, họ sẽ cố gắng tìm hiểu thực hư vấn đề và lắng nghe thông tin phản hồi từ phía lãnh đạo DN.

Tuy nhiên, để có được thương hiệu cá nhân lãnh đạo DN tốt, bản thân nhà lãnh đạo phải có “chất”. Đó có thể là tổng hòa của sự chính trực, chân thành, minh bạch, sáng tạo, hướng tới việc gia tăng giá trị cho DN, cho cổ đông… Những phẩm chất này được thể hiện một cách nhất quán thông qua phong thái, phát ngôn và cách hành xử của chính cá nhân đó, chứ không phải sự giả tạo, “làm màu”.

Bên cạnh thương hiệu cá nhân của nhà lãnh đạo DN, một điểm chung ở những DN thành công, có bề dày phát triển bền vững, đó chính là quan điểm quản trị: trao quyền và đào tạo. DN có thể trường tồn, song những người gắn bó với DN lại hữu hạn. Nếu không thành công trong kế thừa và chuyển giao lãnh đạo, cổ đông khó có thể trông chờ một DN trăm năm.

>> Cử nhân, thạc sĩ "đua nhau" thất nghiệp

Người quan sát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét