Nhưng sếp đã làm gì để tự động viên bản thân và nuôi dưỡng niềm đam mê của mình cho công việc?
Theo Alan Carniol - nhà sáng lập của Interview Success Formula (một chương trình giúp những người tìm việc đưa ra những câu trả lời phỏng vấn hiệu quả và chứng minh mình là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí mà họ ứng tuyển), nhà lãnh đạo cần phải luôn giữ được “lửa” trong công việc.
Nếu thiếu sự nhiệt huyết và đam mê dành cho công việc, sếp sẽ làm lãng phí những nỗ lực mà mình đã bỏ ra để giữ tinh thần làm việc hăng say cho nhân viên và sẽ khó có thể lèo lái “con tàu doanh nghiệp” vững vàng.
Carniol khuyên nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên giữ "lửa" cho bản thân mình bằng những cách sau đây:
1. Xem lại tuyên bố sứ mệnh
Một khảo sát được tổ chức Virgin Pulse thực hiện vào năm 2015 cho thấy 38% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp yêu thích tuyên bố sứ mệnh của công ty. Việc suy ngẫm về tuyên bố sứ mệnh của doanh nghiệp giúp cho nhà lãnh đạo lấy lại hứng khởi cho công việc.
Nếu cảm thấy chỗ nào trong câu tuyên bố sứ mệnh ấy nay không còn phù hợp thì nhà lãnh đạo nên cân nhắc thay đổi. Các công ty và con người không ngừng thay đổi. Vì vậy, những suy nghĩ ban đầu của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có thể không còn tạo ra được sự hứng thú cho bản thân họ như trước nữa.
Sếp cần xem xét liệu giữ nguyên tuyên bố sứ mệnh ban đầu thì có giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đã đề ra hay không. Nếu không thì cần thay đổi những gì để nó có thể tạo ra sự hứng thú cho nhà lãnh đạo.
2. Tham gia một phiên họp hội ý (brainstorming)
Theo Carniol, đó không phải là một cuộc họp quan trọng như triển khai kế hoạch kinh doanh của năm mà là các cuộc họp về những vấn đề không lớn. Khi bước lên vị trí cao hơn, nhà lãnh đạo có thể không còn làm việc thường xuyên với các đồng nghiệp cấp dưới như trước. Tuy nhiên, đây chính là một trong những thủ phạm khiến nhà lãnh đạo “mất lửa” nhanh nhất.
Nghiên cứu cho thấy những người tin rằng mình đang cùng người khác giải quyết một vấn đề thường sẽ gắn bó hơn với công việc. Khi chủ động tham gia vào các cuộc họp hội ý với các nhân viên cấp dưới, nhà quản lý sẽ làm việc hiệu quả với họ hơn sau đó. Nhân viên cũng sẽ cảm thấy rằng sếp đang thật sự chia sẻ gánh nặng công việc với họ.
Hãy đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu cách giải quyết vấn đề của nhân viên. Có thể nhân viên chưa cần đến sự can thiệp của sếp nhưng chính việc chứng kiến cách nhân viên nhiệt tình đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến để giải quyết vấn đề sẽ giúp sếp có thêm hứng khởi cho công việc.
3. Kèm cặp một nhân viên mới hay một nhân viên thực tập
Theo Carniol, chúng ta thường khó tránh khỏi một thực tế khắc nghiệt đó là khi làm việc càng lâu năm, chúng ta càng trở nên mệt mỏi và “chai lì”. Carniol khuyên các nhà lãnh đạo rằng nếu muốn tìm lại niềm đam mê mà mình từng có cho công việc thì nên dành thời gian để làm việc cùng với những “tân binh” vốn còn đang rất “máu lửa” với công việc.
Trên thực tế, nhà lãnh đạo đôi khi có thể học được nhiều điều chính từ cách suy nghĩ của các nhân viên mới hay từ những câu hỏi, thách thức mà họ đặt ra.
4. Hiểu được khi nào nên giao phó công việc
Đây luôn là một lời khuyên quan trọng về vấn đề quản lý thời gian. Một trong những nguyên tắc quản lý hàng đầu là nên giao phó một công việc cho nhân viên nếu nhân viên có thể làm tốt công việc ấy để dành thời gian cho việc tư duy chiến lược. Tuy nhiên, Carniol khuyên nhà quản lý cũng có thể tham gia trực tiếp vào một số công việc nhất định ở một chừng mực nào đó, nếu thích và nếu điều đó tạo ra niềm vui cho mình.
Chẳng hạn, sếp không nhất thiết phải tham dự mọi cuộc phỏng vấn với ứng viên tìm việc nhưng nếu yêu thích việc này, thì sếp cũng không nên từ bỏ nó hoàn toàn. Vấn đề là trước khi quyết định giao phó một công việc, nhà quản lý cần cân nhắc việc ấy giúp mình có thêm hứng thú ở mức nào và nó lấy mất đi của mình bao nhiêu thời gian. Nếu việc ấy không mất quá nhiều thời gian nhưng lại giúp nhà quản lý có thêm nhiều “lửa” thì cũng nên làm.
Theo Carniol, phỏng vấn những ứng viên thú vị, cùng với đội ngũ nhân viên bán hàng làm việc trực tiếp với một số khách hàng là những việc thường giúp các sếp cảm thấy có thêm hứng thú cho công việc.
5. Tham gia vào các hoạt động tăng cường sự gắn bó và cải thiện sức khỏe của nhân viên
Kết quả của cuộc khảo sát nói trên của Virgin Pulse cũng cho thấy, yếu tố hàng đầu tác động đến sự hài lòng của nhân viên về môi trường làm việc là sức khỏe. Nhân viên khó có thể làm việc hăng say và hứng thú nếu họ đang ở trong tình trạng sức khỏe tâm lý và thể chất kém. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy.
Carniol khuyên các nhà quản lý nên tổ chức các hoạt động hay các cuộc thi nhằm giúp nhân viên cải thiện sức khỏe và cùng tham gia vào các hoạt động này.
> Cơ hội việc làm cho ứng viên biết tiếng Nhật
ĐÔNG DƯƠNG (theo Inc.)/DNSGCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét