Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Để khởi nghiệp thành công

Những người trong cuộc đã đưa ra các góc nhìn đa dạng xung quanh câu chuyện khởi nghiệp: nên dè chừng rủi ro, thất bại hay cứ thẳng đường mà tiến...


“Nghĩ thất bại là sẽ thất bại !”

Tại Diễn đàn lãnh đạo trẻ VN 2015 (do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, Hội LHTN TP.HCM vừa tổ chức), một bạn trẻ đặt câu hỏi: “Khi khởi nghiệp, các anh chị và đồng sự có chuẩn bị nếu thất bại thì sẽ như thế nào không?”.

Anh Nguyễn Hải Ninh, sáng lập chuỗi cà phê The Coffee House, chia sẻ: “Đầu năm nay, chúng tôi mới có 3 cửa hàng. Nhưng chúng tôi đã hứa đến cuối năm nay sẽ mở 20 cửa hàng. Một khi đã hứa thì làm hết sức mình để biến điều đó thành hiện thực. Ngược lại, nếu trước khi thực hiện, mình đã nghĩ đến thất bại thì nên đi tìm công ty khác để làm. Với tôi, không bao giờ có câu hỏi nếu thất bại thì sao”.

Thể hiện sự đồng tình 100% với ý kiến trên, anh Phạm Đình Nguyên, Thị trưởng thị trấn Buford (nay là PhinDeli, Mỹ), “người khởi nghiệp xuyên quốc gia” với thương hiệu cà phê PhinDeli, nói: “Khi kinh doanh, bạn nghĩ thắng thì chưa chắc thắng. Nhưng bạn nghĩ thất bại là sẽ thất bại”.

Anh Nguyên cho biết khi mua thị trấn Buford (với giá khoảng 20 tỉ đồng VN), anh chỉ nghĩ đến việc mua lấy sự nổi tiếng của nó, còn làm cái gì thì tính sau. “Lúc đó, có rất nhiều ý kiến về sự kiện này. Ví dụ, có người nói chắc ông này sẽ bán phở hoặc làm thị trấn massage. Còn mình thực sự thấy áp lực và đau đầu, vì mua xong không làm gì cũng không được, tiền thì đã mượn rồi”, anh Nguyên tâm tình.

Thế rồi, ý tưởng kinh doanh cà phê đã đến với anh, khi nó đáp ứng hai vấn đề anh đặt ra: Sản phẩm đó phải là thế mạnh ở VN đồng thời cũng có thị trường rộng lớn ở Mỹ. Thị trưởng Phạm Đình Nguyên khẳng định: “Ý tưởng cà phê đến với mình không hề là sự bốc đồng. Nó là kết quả của quá trình nghiền ngẫm trước đó, quá trình mình làm việc ở các công ty đa quốc gia cũng như những công ty trong nước. Hằng ngày, nó nằm đâu đó trong tiềm thức nhưng khi mình cần đến thì nó bật ra”.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, anh Phó Đức Huỳnh, Giám đốc điều hành Trung tâm kết nối chuyên gia Infotel, cho rằng: “Theo tôi, để khởi nghiệp chắc chắn thành công thì không nên nghĩ đến thất bại. Nếu nghĩ đến rủi ro thì nó rất dễ... ứng vào bản thân. Chúng ta có thể làm cái gì cũng được nhưng quan trọng là có dám đi đến cùng hay không, hay chưa chờ đến thành công đã vội dừng cuộc chơi”.

Khoanh vùng rủi ro

Anh Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Thủy, thể hiện một góc nhìn khác: “Bạn cần cân nhắc, lường trước các rủi ro. Bạn phải nghĩ rằng nếu thất bại xảy ra, hậu quả sẽ như thế nào. Nghĩ đến viễn cảnh khủng khiếp, bạn càng cố gắng hơn trong từng ngày để thúc đẩy sự thành công”.

Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 19 tuổi, Nguyễn Đức Hiếu hiện là sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, đồng sáng lập Dự án chuỗi cửa hàng cá sạch cho người Việt - M4S. Hiếu cho hay bạn tự viết ra “nguyên tắc khoanh vùng” để giải quyết vấn đề tâm lý khi khởi nghiệp. Trước hết, đó là sự khoanh vùng rủi ro, tức là tự đặt ra hàng loạt câu hỏi như: Gia đình mình có tán gia bại sản, có bị biến cố gì không? Thất bại này có dẫn mình đến việc đánh mất hoàn toàn sự nghiệp không?... Sau đó, xem khả năng của mình có thể vượt qua được hay không trong những tình huống trên.

Hiếu nhấn mạnh: “Khi khởi nghiệp, tuyệt đối phải nghĩ trước về khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Khoanh vùng rủi ro đó, xem xét khả năng mình có thể vượt qua nếu điều đó đến. Chỉ cần khoanh vùng được rủi ro, thì ta mới mạnh dạn hành động”.

Theo Hiếu, khởi nghiệp không thể theo phong trào được. Vì vậy, không phải ai cũng có thể khởi nghiệp. Người khởi nghiệp phải có niềm khát khao đến từ trong sâu thẳm lòng mình. “Cần phải tập vấp ngã nhẹ bằng những dự án quy mô nho nhỏ nhưng cũng hết sức tâm huyết. Sau nhiều lần thất bại, chúng ta sẽ quen dần với cường độ áp lực. Đến lúc ta đủ năng lực - kinh nghiệm, việc khởi nghiệp chắc chắn sẽ dễ dàng hơn”, Nguyễn Đức Hiếu tự tin nói.

Như Lịch/thanhnien.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét