Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Ứng dụng tìm món ăn Việt gọi vốn triệu đô như thế nào

Từ nhu cầu tìm quán ăn ngon của bản thân, chàng trai 23 tuổi đã quyết bỏ dở du học, về nước thực hiện ý tưởng và bước đầu nhận được hậu thuẫn tài chính từ 2 quỹ đầu tư của Singapore và Nhật Bản.

Nguyễn Hoàng Trung sinh năm 1992 tại Quảng Ngãi. Học xong cấp hai, Trung thi đỗ vào một trường THPT tại Hà Nội. 15 tuổi, cậu bắt đầu cuộc sống từ lập. Sau khi tốt nghiệp, Trung đi du học nhờ nhận được học bổng toàn phần tại Hàn Quốc.

Trong một lần về Việt Nam, do có hẹn gặp gỡ với bạn bè Trung muốn tìm kiếm một quán ăn có món ngon nhưng không thể tìm được. Khi đó, anh chợt nghĩ tại sao không có một ứng dụng chỉ dẫn cho những người có nhu cầu "ăn gì ở đâu" như mình lúc này?

Tháng 6/2012, kết thúc năm học thứ 2, Trung quyết định bỏ dở việc học trở về nước trước sự phản đối của bố mẹ để thực hiện ý tưởng viết một phần mềm chỉ dẫn địa chỉ các món ăn. Với số tiền tiết kiệm và vay mượn, cùng với những người bạn, sau một tháng, ứng dụng Lozi ra đời.

"Lozi là cách viết lái đi từ "Lo gì", ý nói ứng dụng này sẽ giúp người dùng yên tâm và thoải mái lựa chọn các địa điểm đồ ăn uống với giá cả hợp lý", Trung kể lại.

Thời gian đầu khởi nghiệp với chàng trai đến từ miền Trung và cộng sự là chuỗi ngày cực nhọc. Anh cho biết ngoài sự phiền muộn của gia đình, nghi ngại của mọi người thậm chí có người đồn thổi "do chơi bời , học kém nên mới bỏ học". Anh thừa nhận khi đó dù rất muốn giải thích nhưng anh không biết nói thế nào để mọi người hiểu công việc mà bản thân đang theo đuổi.

Với số tiền ít ỏi ban đầu không đủ trang trải chi phí, Trung nghĩ đến việc huy động vốn từ bên ngoài song không hề dễ dàng. "Mọi thứ đúng là không như tôi nghĩ. Không dưới chục lần chúng tôi bị nhà đầu tư từ chối khi đem dự án đi thuyết trình", Trung chia sẻ. Thêm vào đó, kinh doanh không doanh thu, tiền lương không có trả nhân viên và cộng sự, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến dự án không ít lần đứng trước nguy cơ phá sản.

Trong nhiều khó khăn, nan giải nhất theo Trung chính là vấn đề nhân sự. Anh cho biết môi trường start-up đòi hỏi sự quyết tâm, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Thực tế, có không ít bất đồng về quan điểm giữa các nhân sự khiến một số người đã bỏ cuộc giữa chừng. Mỗi khi có vấn đề phát sinh, Trung cùng mọi người dành thời gian nói chuyện thẳng thắn, giải quyết mọi khúc mắc và thống nhất cùng "xốc" lại tinh thần để phát triển.

"Thành quả cuối cùng sẽ là câu trả lời chuẩn xác nhất mọi nghi ngại đặt ra cho chúng tôi. Chính những thách thức đã giúp nhân sự gắn kết đi cùng nhau đến lúc này", Trung chia sẻ.

Với dự án của mình, mong muốn của chàng trai trẻ tuổi này là làm sao tính năng của ứng dụng cho phép người dùng tìm kiếm địa điểm nhanh chóng tiện lợi. Bên cạnh đó còn có các bộ sưu tập ăn uống theo chủ đề hoặc theo mục đích riêng.

Để tạo sự khác biệt với một số web tương tự đang có trên thị trường, Trung đã phát triển thêm tính năng lưu lại các thông tin. Trung cho biết khi người dùng truy cập vào ứng dụng, có rất nhiều ảnh món ăn do người khác chia sẻ, nếu muốn lưu lại thì chức năng ghim sẽ giúp họ làm điều này. Ngoài ra, với chức năng tự định vị, ứng dụng sẽ hỗ trợ người dùng tìm thấy những địa điểm có bán món ăn cần tìm ở vị trí gần họ nhất.

Nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa cho dự án, Trung cũng quan tâm đến các hoạt động khởi nghiệp trong nước, nhất là các cuộc thi. Cuối năm 2013, nhóm đoạt giải nhì trong sự kiện Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức. Theo Trung, đây là bước đà để dịch vụ dần hoàn thiện đến gần hơn với các quỹ đầu tư.

Sau 9 lần "đập đi xây lại", đầu năm 2014, phiên bản web đầu tiên chính thức trình làng. Cuối năm đó, Trung tiếp tục ra mắt phiên bản chạy trên điện thoại thông minh cho cả hệ điều hành iOS và Android. Cũng trong năm này, công ty của anh đã được đề án Silicon Valley Vietnam lựa chọn hỗ trợ 10.000 USD.

Có động lực về tài chính, Trung và cộng sự bắt đầu phát triển sản phẩm, khắc phục các lỗi để triển khai các tính năng mới dù theo anh "đó là công việc không đơn giản". Trung cho biết anh luôn phải suy nghĩ về các bước đi sắp tới để có thể đem lại nhiều giá trị cho người dùng lẫn đối tác.

Khi sản phẩm bắt đầu có hiệu ứng nhất định trên thị trường, lúc này, Trung tính đến việc tiếp cận trở lại các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài. "Tôi đã chủ động tìm đến các nhà đầu tư để thuyết phục họ. Rất nhiều khó khăn, nhưng tôi thấy rằng cái khó lớn nhất là phải chứng minh được sản phẩm có thể giải quyết được nhu cầu nào đó trong xã hội. Và cần cho họ thấy bức tranh trong 5-10 năm tới sẽ đi đến đâu và như thế nào", CEO này cho biết.

Nhớ lại buổi gặp gỡ với đại diện Golden Gate Ventures - một trong hai quỹ vừa rót vốn, Trung cho biết câu hỏi đầu tiên mà anh nhận được là họ muốn biết chúng tôi sẽ làm gì để có chỗ đứng trên thị trường.

Anh cho hay khi có ý định đi ăn, mọi người sẽ nghĩ đến việc ăn gì thay vì ăn ở đâu. Do đó, Lozi định hướng vào món ăn bằng cách đưa hình ảnh từng món vào giao diện chính của ứng dụng chứ không gợi ý địa điểm như các ứng dụng khác. Cùng đó, dự án hướng đến nhóm khách hàng trong độ tuổi 15-24, đây là những người có mức độ nhanh nhậy khi cập nhật thông tin. Nắm được điều này, Trung và các cộng sự đã tạo ra những nội dung phù hợp với nhu cầu của riêng họ. Cuối cùng, anh chú trọng sử dụng hình ảnh món ăn đẹp mắt bằng cách tương tác với người dùng khiến họ luôn chủ động đăng tải những bức hình đẹp tạo tính phong phú cho ứng dụng.

Sau nhiều lần gặp gỡ, Trung mất gần nửa năm để chứng minh sự tăng trưởng dự án cho nhà đầu tư để đến đầu tháng này, Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan đã quyết định rót vốn cho ứng dụng của chàng trai 23 tuổi này.

Với số tiền vừa nhận được bằng USD lên đến 7 chữ số, Trung cho biết sẽ tập trung nguồn lực vào R&D, cùng đó mở rộng phạm vi hoạt động đến nhiều thành phố. Hiện số lượng người tải ứng dụng trên điện thoại đạt 500.000 và 4 triệu truy cập mỗi tháng trên web.

Lý giải việc không công khai số tiền nhà đầu tư vừa rót Trung cho biết vốn đầu tư không nói lên điều gì bằng quyết tâm cũng như định hướng phát triển. Anh muốn chứng minh những gì làm được qua sản phẩm cũng như các đổi mới trong thời gian tới.

Dù vậy, theo Trung, thành công hiện có lúc này chỉ mới bắt đầu bởi anh và cộng sự vẫn còn nhiều kế hoạch đang ấp ủ. "Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là làm sao tiếp tục phát triển để đẩy mạnh ứng dụng hơn nữa trong thời gian tới cả về sản phẩm cũng như thương hiệu", Trung cho hay.

>> Chàng trai bán tàu hủ trở thành ông chủ IMM

Thành Tâm/vnexpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét