Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016
Quan trọng nhất là chọn đúng nghề
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 có 32% thí sinh lựa chọn thi THPT quốc gia với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp, cao hơn 4% so với năm 2015.
Con số thống kê cho thấy, tư duy hướng nghiệp của nhiều học sinh và các bậc phụ huynh đã có sự thay đổi. Trong khi đó, xu thế hội nhập, thị trường lao động trong nước và quốc tế đang cần rất nhiều lao động kỹ thuật cao, các em học sinh đang có thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho bản thân một nghề nghiệp ổn định để phát triển trong tương lai.
Đã thay đổi nhận thức
Trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016, có nhiều địa phương tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp tăng cao. Đặc biệt, tại Hòa Bình có gần 70% thí sinh không dự thi ĐH. Ở nhiều tỉnh khác, con số này cũng chiếm từ 30 - 40%. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay, có 32% thí sinh lựa chọn thi THPT quốc gia với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp, cao hơn 4% so với năm 2015.
Hiệu trưởng một trường THPT ở tỉnh Hoà Bình cho biết, lý do năm nay trường có nhiều học sinh chọn chỉ thi xét tốt nghiệp là vì đa số học sinh muốn đi học nghề. Nhiều học sinh đã nhận ra, nếu cố theo đuổi thi đỗ vào một trường ĐH, sau 4 năm học ra trường không có việc làm vừa mất tiền bạc vừa mất thời gian. Trong khi đó, học sinh chọn học nghề có thể đi đào tạo trong thời gian ngắn, có việc làm ngay, sớm có thu nhập nuôi sống bản thân.
Số thí sinh chọn thi THPT chỉ với mục đích tốt nghiệp tăng thêm, xu hướng này cho thấy, người học đã có cái nhìn thực tế hơn về định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Thời điểm này, nhiều học sinh đã chọn được ngành nghề để theo học, nhưng cũng có không ít học sinh còn đang băn khoăn trước vấn đề chọn trường, chọn nghề. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là các em còn thiếu định hướng nghề nghiệp trước khi học, việc hướng nghiệp còn sơ sài và không phù hợp.
Theo các chuyên gia, để thực sự có thay đổi về hướng chọn các bậc học, cần phải thực hiện cải cách chương trình phổ thông tổng thể, phân luồng và định hướng nghề nghiệp từ THCS và hướng học nghề sau THCS. Tuy nhiên, hiện nay các trường cao đẳng, trung cấp nghề có thể nắm bắt cơ hội này để thu hút học sinh, sinh viên vào học nghề.
Thêm nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho rằng, với nhiều phụ huynh, tấm bằng đại học vẫn được xem là tấm giấy thông hành để xin được việc. Cũng phải nói đến thực tế là trước đây, sẽ rất khó xin việc nếu không có bằng đại học. Do vậy, tâm lý “phải học đại học” là dễ hiểu. Tuy nhiên, giờ mọi thứ đã thay đổi. Việc học đại học hay không không quan trọng bằng việc chọn đúng nghề theo học và đạt tới trình độ kỹ năng tốt. Bản thân các doanh nghiệp tuyển dụng bây giờ cũng coi trọng năng lực thực hiện hơn là bằng cấp của ứng viên.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất cần nhân lực trong các lĩnh vực: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Hàn, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại. Hầu hết sinh viên trong những lĩnh vực này đều được các doanh nghiệp tiếp nhận ngay sau khi ra trường. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp rất cần nhân sự có tay nghề cao trong những lĩnh vực này. Vì thế, nhiều năm nay Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để phát triển các trường nghề theo hướng trường chất lượng cao.
Các trường nghề đã chú trọng hơn vào kỹ năng thực hành. Đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và đào tạo thêm những kỹ năng cần thiết khác ngoài kiến thức chuyên môn.
Các bạn học sinh, sinh viên cũng cần chủ động trong học tập, rèn luyện ngoại ngữ và những kỹ năng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.
>> Chiến lược mạng xã hội của tỉ phú Richard Branson
Nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quan-trong-nhat-la-chon-dung-nghe-2079348-b.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét