Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Người Philippines, Campuchia sẽ vào Việt Nam xin việc?

Nhiều người Campuchia đang nộp hồ sơ xin việc tại Việt Nam, trong khi số người Việt có bằng cấp thất nghiệp tăng cao.

“Với việc tự do di chuyển lao động khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, các công ty Việt tất nhiên sẽ dễ dàng đón nhận lao động từ các nước như Philippines, Indonesia, Singapore…” - bà Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc điều hành Anphabe, nhà tuyển dụng nhân sự cảnh báo.

Theo đó từ ngày 1-1-2016, AEC chính thức hình thành, trước mắt sẽ có tám ngành nghề lao động như kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch trong khu vực ASEAN được tự do di chuyển. Như vậy, các công ty Việt có thể thoải mái đón nhận nhân viên từ các quốc gia khác. Điều này cũng có nghĩa nguy cơ thất nghiệp của người Việt gia tăng.



Nhiều ứng viên Campuchia rất có khả năng

Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược Robenny (Canada), cho hay hiện tại công ty đang tiếp nhận rất nhiều hồ sơ nhân sự cao cấp từ Campuchia xin vào Việt Nam làm việc. Phần lớn họ là những người có trình độ, nói tiếng Anh, tiếng bản địa và tiếng Việt tốt.

“Thị trường việc làm tại Việt Nam cao gấp 10 lần Campuchia, vì vậy họ coi đây là cơ hội tốt để tìm kiếm việc làm” - ông Robert nhìn nhận.

Một số doanh nghiệp khác cũng cho hay đã quan tâm hơn đến nguồn nhân lực từ các quốc gia láng giềng, nhất là của Philippines. Lý do người Philippines thường làm việc chăm chỉ, có tính kỷ luật cao và thân thiện.

Giám đốc một công ty cổ phần dẫn chứng hiện có một số nhân viên người Philippines đang làm việc trong công ty. Ở cùng một vị trí, dù họ được trả lương không cao hơn người Việt nhưng năng suất làm việc lại cao hơn.

Ông Sonny Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn và quản lý khách sạn Khôn Ngoan, kể dù tuyển được manager là người Việt cho resort năm sao với trình độ chuyên môn ẩm thực quốc tế. Tuy vậy, khi xảy ra lỗi, sự cố anh này thường bao che cho cấp dưới… Sau nhiều lần nhắc nhở, công ty đã quyết định thay thế bằng nhân sự người Pháp.

“Nhân sự nước ngoài này hiểu được khách hàng họ muốn gì, cần gì và vạch ra được chiến lược kinh doanh rõ ràng, dù công ty phải trả lương cao gấp đôi so với nhân sự trong nước” - ông Sonny Sơn cho hay.

Tuy vậy, nhân sự nước ngoài không phải lúc nào cũng hơn người Việt. Ông Sonny Sơn nói cách đây không lâu, công ty tuyển một nữ giám đốc người Philippines cho resort năm sao tại Nha Trang. Người này có ưu điểm như tính kỷ cương trong công việc, ngoại giao tốt, tiếng Anh trôi chảy… nhưng trình độ chuyên môn không đạt.

“Tùy vị trí, lĩnh vực mà các công ty Việt chọn nhân sự nước ngoài hay Việt Nam. Họ phải tính toán để hạn chế chi phí nhất mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. Bởi nếu muốn có nhân sự nước ngoài thật giỏi, doanh nghiệp thường phải trả chi phí cao hơn so với người Việt” - ông Sơn nói.

Bà Nguyễn Thị Việt Thanh nêu thực tế người Việt chưa đáp ứng tốt được một số vị trí như sáng tạo, sales, quản lý… trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Bà Thanh cho biết thêm: “Những vị trí này các công ty thường ưu tiên tuyển nhân sự người nước ngoài đã có thời gian làm việc tại Việt Nam nhiều năm, am hiểu thị trường Việt Nam”.

Nguy cơ mất việc cao

Nhiều chuyên gia cho rằng trình độ tiếng Anh của người lao động Việt còn quá thấp và rất ít người học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia. Mặt khác, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của người lao động Việt Nam chưa cao. Trong khi người lao động các nước lại hơn hẳn người lao động Việt Nam về những mặt này.

Trước thực tế trên, ông Robert Trần cảnh báo do trong nước không có luật phòng vệ ngôn ngữ, ai vào xin việc cũng được nên nhân sự Việt Nam gặp rủi ro mất việc rất lớn. Trong khi đó một số nước đặt ra rào cản về vấn đề này. Ví dụ muốn làm việc ở các công ty Thái Lan, người đó phải biết nói tiếng Thái với một trình độ nhất định, hoặc muốn làm việc tại Singapore thì tiếng Anh phải đạt trình độ nào đó thì họ mới tiếp nhận.

Tương tự, bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc điều hành Công ty Talentnet, phân tích khi AEC hình thành thì sự đa dạng trong lực lượng lao động giúp các công ty có nhiều sự lựa chọn và như vậy nguồn nhân lực Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác là điều không tránh khỏi.

Để cạnh tranh được, bà Trinh cho rằng Việt Nam đương nhiên phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho nguồn nhân lực. Bởi hiện nay khi nói đến nhân sự trong ngành dịch vụ người ta nghĩ ngay đến Philippines, nói đến bác sĩ mọi người nghĩ đến Singapore; muốn tuyển nhân sự ngành tài chính kế toán, Anh quốc là nước đầu tiên được các công ty nghĩ đến, tiếp theo là Hong Kong, Malaysia.

Cụ thể hơn, ông Robert Trần nhấn mạnh Nhà nước nên xác định, hoạch định thương hiệu nguồn nhân sự Việt Nam cụ thể là ngành nào. Chẳng hạn mới đây Singapore đưa ra chương trình “Luxury service trainning”, theo đó công ty nào cử nhân viên đi học chương trình này sẽ được chính phủ trả đến 70% chi phí. Chương trình này dạy cho nhân viên biết cách phục vụ một cách “đẳng cấp” nhất.

“Điều này cho thấy Singapore định vị họ là một quốc gia về dịch vụ. Còn Việt Nam nếu chuẩn bị chưa tốt nhân lực thì ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ thua Campuchia” - ông Robert Trần cảnh báo.

Trên 225.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp
Ngày 24-12, Bộ LĐ-TB&XH công bố thông tin cho hay quý III-2015, cả nước có 1,13 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 15.900 người so với quý II-2015.
Điểm đáng chú ý là tỉ lệ thất nghiệp trong nhóm có bằng đại học và cao đẳng chuyên nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao và không có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, quý III-2015 có tới 117.300 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (chiếm 10,4%) và 225.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm tới 20%.
Trong khi tỉ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học trở lên tăng cao thì tâm lý “sính” bằng đại học vẫn diễn ra. Điều này cũng cho thấy một tình trạng đáng báo động về việc dạy học nhưng không bám sát với nhu cầu tuyển dụng thực tế.
Năng suất chỉ bằng 1/18 Singapore
Theo nghiên cứu từ Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan và 1/18 so với Singapore.

>> Trên 7,8 triệu người được tạo việc làm trong 5 năm qua

TÚ UYÊN/phapluat.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét