Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

'Khởi nghiệp không là trào lưu và nhiều bạn trẻ đang ảo tưởng'

'Tôi nói điều này hơi động chạm, nhưng không ít bạn trẻ đang ảo tưởng. Đồng ý bạn có ý tưởng tốt, nhưng chẳng lẽ các công ty lớn không có ý tưởng như bạn, và tại sao người ta không làm?', Trần Xuân Bách hỏi.

>> Dịch vụ thuê ngoài contact center

Trở về Việt Nam sau thời  gian du học tại Úc, Trần Xuân Bách từng gây chú ý với quyển sách Chuyện bếp xuất bản năm 2014.

Xét về khía cạnh nào đó, Trần Xuân Bách vẫn là một gương mặt nổi bật trong thế hệ và lĩnh vực của mình. Qua năm tháng, chàng trai sinh năm 1989 này có thêm nhiều suy nghĩ về những gì đã diễn ra sau thời gian du học và làm việc.

Du học thì được gì?

Gặp lại Trần Xuân Bách khá lâu sau khoảng thời gian tương đối “ồn ào” từ đợt về Việt Nam và ra mắt sách, chàng trai này vẫn giữ thói quen uống cà phê vào mỗi sáng tại một góc riêng.

“Tôi vẫn ứng dụng được rất nhiều những kiến thức có được từ thời gian du học, cả về chuyên môn lẫn những hiểu biết về cuộc sống và công việc nữa”, Trần Xuân Bách nói.

Trong thời gian ở Úc, Trần Xuân Bách đã học tại Học viện William Angliss (TP.Melbourne, bang Victoria) và Đại học Công nghệ Swinburne. Anh được học về nhà hàng, trang trại, thực phẩm, nghiên cứu ẩm thực và cả truyền thông, sau đó có chứng chỉ đầu bếp ở Swinburne.

Kiến thức ấy, cộng thêm kinh nghiệm thực tế trong thời gian vừa học vừa làm giúp Trần Xuân Bách có thể làm bếp đúng nghĩa, và hiểu nhiều hơn về thực phẩm, món ăn ở nhiều khía cạnh khác nhau.

“Làm bếp thực tế sẽ có cái hay khi bạn bắt tay vào việc quản lý. Ví dụ để quản lý một nhà hàng, quán cà phê tại Việt Nam, hầu hết những người chịu trách nhiệm quản lý chỉ biết về bề nổi của quán, còn chuyện trong bếp thì để... bếp lo. Thế nên mới có chuyện quản lý xung đột với nhà bếp. Nếu có cả kiến thức về quản lý lẫn công việc bếp núc thực tế, bạn sẽ không bao giờ bị phía bếp nói câu ‘Anh có làm bếp không? Không thì làm sao biết mà nói chuyện với chúng tôi’ cả. Ở Úc, họ cho tôi tất cả những kỹ năng để quản lý tốt nhất công việc của mình”, Trần Xuân Bách khẳng định.

Chàng trai 27 tuổi cũng mang tham vọng được triển khai những dự án của riêng mình tại Việt Nam. Anh cho rằng việc đi học ở Úc hay các nước khác ngoài ra còn giúp sinh viên, học viên có những trải nghiệm từ những va chạm thực tế. Điều đó cung cấp cái nhìn bao quát hơn về ý tưởng và kinh nghiệm để “đối đầu” với nhà đầu tư.

Anh cho biết: “Khi học tập trong môi trường ấy, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là họ dạy sinh viên cách đặt câu hỏi. Luôn luôn phải có những câu hỏi, và nó cũng phản ánh hiểu biết và thiếu sót của bạn. Từ sự va chạm thực tế và việc đặt câu hỏi, sinh viên có thể hiểu rằng không phải lúc nào họ cũng phải ‘chạy’ theo nhà đầu tư, không để ý tưởng của mình lọt mất”.



Khởi nghiệp không chỉ là trào lưu
Vài năm gần đây là khoảng thời gian bùng nổ khởi nghiệp tại Việt Nam, dù có thể hiểu khái niệm “khởi nghiệp” theo nghĩa hẹp nhất là bắt đầu một dự án, chưa bàn đến lĩnh vực hoặc giá trị ý tưởng cốt lõi.

Bản thân Trần Xuân Bách cũng có những trải nghiệm về khởi nghiệp ở Việt Nam, với vai trò tư vấn chiến lược cho một số dự án, trong đó có The KAfe.

“Khi bắt tay vào làm, chắc chắn mọi người sẽ hiểu khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Bạn có thể lóe lên ý tưởng hay đấy, có thể nhìn được đích đến của mình, nhưng còn... khúc giữa thì không”, Trần Xuân Bách hình tượng.

Theo anh, kiến thức quản lý cho thấy một ý tưởng từ lúc hình thành đến thực tế là câu chuyện rất khác biệt và phức tạp. Đôi khi người ra ý tưởng không biết hoặc không thể  biết cách triển khai, vì sẽ còn nhiều yếu tố khác như xoay vốn, truyền thông, sự kiên định...

“Đoạn ‘giữa’ của cuộc hành trình chứa đựng chất liệu quan trọng nhất cho thành công, tôi nghĩ vậy. Qua quan sát từ nhiều trường hợp khởi nghiệp, các bạn thường thiếu nhiều kỹ năng so với những gì tôi biết, như kế hoạch dài hạn, kế hoạch B, dự trữ tài chính phòng ngừa rủi ro và cả chuyện phỏng vấn nhân sự nữa", Bách phân tích.

"Lấy ví dụ khi thành lập một quán cà phê theo phong cách đúng như ý tưởng ban đầu, một số bạn khi bị hụt khách hàng thì quay sang bán thêm bún, cơm... Đó không phải là cách làm hay, hoặc ít nhất tôi chưa từng được học như vậy. Nó vô tình phá đi ý tưởng cốt lõi ban đầu, và chứng tỏ các bạn thiếu sự kiên định, thiếu cả nguồn vốn dự trữ dành cho giai đoạn thiếu hụt khách hàng sau khoảng thời gian đầu giành được khách ‘ảo’ nhờ truyền thông”, Bách chỉ ra thêm.

Có những trường hợp khác ra ý tưởng theo kiểu “thời vụ”, và sau khi kinh doanh hết giai đoạn thời vụ ấy thì không biết làm gì tiếp theo. Đó là một minh chứng cho việc thiếu kế hoạch đường dài.

Trần Xuân Bách tâm sự: “Tôi nói điều này hơi động chạm, nhưng không ít bạn trẻ đang ảo tưởng. Đồng ý bạn có ý tưởng tốt, nhưng chẳng lẽ các công ty lớn không có ý tưởng như bạn, và tại sao người ta không làm? Thêm vào đó, một số bạn trẻ khởi nghiệp cũng dễ suy nghĩ rằng nhà đầu tư đánh giá cao ý tưởng của họ nên đổ tiền vào".

"Trên thực tế, thời gian du học ở Úc, kiến thức từ trường lớp và những đồng nghiệp cho thấy nhà đầu tư đôi khi chỉ muốn thử, và tiền là cách để họ có thể cướp ý tưởng của bạn một cách hợp lệ, khi bạn thất bại và rút lui”, Bách đúc kết.

>> Lao động phổ thông: Doanh nghiệp "khát", người lao động "chê"

Nhật Đăng

Nguồn: http://thanhnien.vn/gioi-tre/khoi-nghiep-khong-la-trao-luu-va-nhieu-ban-tre-dang-ao-tuong-681343.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét