Quan hệ lao động tại doanh nghiệp sẽ ổn định nếu người sử dụng lao động biết quan tâm, chăm lo cho người lao động
Tại buổi đối thoại định kỳ quý II/2016, khi nghe ban giám đốc thông tin sẽ phụ cấp thêm 400.000 đồng tiền nhà trọ và đi lại, toàn bộ 150 công nhân (CN) Công ty CP Cơ khí Đình Nguyễn (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) rất phấn khởi. “Số tiền không lớn nhưng là tấm lòng của ban giám đốc. Khi công ty làm ăn khá hơn, chắc chắn chúng tôi sẽ chăm lo cho CN nhiều hơn” - ông Bùi Văn Đình, giám đốc công ty, chia sẻ.
Hợp lý, hợp tình
Liên tục 2 năm trở lại đây, trước khi buổi đối thoại diễn ra, ông Đình luôn nhắc nhở Công đoàn (CĐ) cơ sở phải làm tốt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN để từ đó đề xuất ban giám đốc xây dựng chính sách chăm lo, đãi ngộ phù hợp. Mọi nguyện vọng của CN nếu xét thấy chính đáng đều được công ty giải quyết thấu đáo.
Nhắc lại câu chuyện xảy ra cách đây 3 tháng, khi CĐ cơ sở đề xuất nâng các khoản phụ cấp thâm niên, tay nghề và năng suất (tổng cộng 450.000 đồng), trong ban giám đốc đã có ý kiến phản đối vì cho rằng tổng thu nhập hằng tháng của CN đã ổn định, gần 5 triệu đồng/người/tháng. Bản thân ông Đình cũng lưỡng lự nhưng khi đại diện CĐ cơ sở đưa ra bản khảo sát chi tiết thu nhập và chi tiêu hằng tháng của CN thì ông đồng ý ngay. Thực tế quý I/2016, do giá cả sinh hoạt tăng, chưa kể một số nơi chủ nhà trọ tăng giá thuê phòng nên chi phí sinh hoạt của CN tăng theo. Đem chuyện này bàn bạc kỹ với các thành viên khác trong ban giám đốc, ông Đình đã thuyết phục được họ đồng ý với đề xuất của CĐ cơ sở.
Tại hội nghị người lao động (NLĐ) diễn ra cách đây 1 tuần, ban giám đốc Công ty CP chế biến Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM) thông báo điều chỉnh tăng các khoản phụ cấp nhà trọ, chuyên cần, xăng xe... tổng cộng 550.000 đồng cho CN. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nguyễn Tuấn Anh, giám đốc công ty, cho biết chính sách tiền lương tại doanh nghiệp (DN) phải được điều chỉnh linh hoạt và hướng đến mục tiêu ổn định đời sống NLĐ, có như vậy mới tạo động lực làm việc lâu dài cho họ. Thực tế, với việc điều chỉnh tăng các khoản phụ cấp, tổng thu nhập hằng tháng của CN (chưa tăng ca) khoảng 4,2 triệu đồng. Gắn bó với công ty được 4 năm, chị Trần Kim Đậm (quê ở Tiền Giang) nói: “Ngoài sự minh bạch, chính sách lương, thưởng tại DN còn có ý nghĩa động viên rất lớn nên ít ai nghĩ đến việc thay đổi chỗ làm việc”.
Đừng quay lưng
Gặp khó khăn, không ít DN tìm cách đẩy hết thiệt thòi cho CN. Cách hành xử ấy không chỉ khiến CN bất mãn mà còn đẩy quan hệ lao động vào bất ổn. Theo ông Nguyễn Quang Ngà, Giám đốc Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức, TP HCM), quay lưng với khó khăn của CN chính là tự đánh mất hình ảnh của mình.
Không ít thời điểm, Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức gặp khó khăn về thị trường, ảnh hưởng đến việc làm của NLĐ. Thế nhưng, chưa bao giờ ban giám đốc có chủ trương cắt giảm nhân công hay chính sách tiền lương, phúc lợi. Tấm lòng ấy của chủ DN khiến tập thể lao động cảm kích và hợp sức vượt qua khó khăn. Với sự quan tâm ấy, 240 CN tại công ty được hưởng chính sách tiền lương tiến bộ. Chẳng hạn, CN mới vào nghề có mức lương khởi điểm là 3,745 triệu đồng. Thu nhập bình quân của CN đạt từ 4,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng (không tăng ca).
Chủ trương quan tâm, giải quyết rốt ráo mọi kiến nghị của NLĐ cũng giúp nhiều DN như Công ty TNHH May Tân Long Trường (quận 9), Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân), Công ty TNHH Top One (quận Gò Vấp), DNTN Tân Hùng Ngọc (huyện Củ Chi)... ổn định quan hệ lao động một cách căn cơ. Tinh thần sẻ chia kịp thời của DN cùng sự nhạy bén của CĐ cơ sở đã góp phần hỗ trợ CN vượt khó khăn và an tâm gắn bó với nơi làm việc.
>> Cô gái bán bỏng ngô kiếm triệu USD
Bài và ảnh: KHÁNH LÊ
Nguồn: http://nld.com.vn/cong-doan/khong-day-kho-cho-cong-nhan-20160725222512456.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét