Ý tưởng và kế hoạch có hay ho cách mấy mà tìm không được đúng người để thực hiện thì cũng hóa ra "xôi hỏng bỏng không".
Bạn vừa khởi nghiệp và đang có ý định tuyển thêm vài nhân viên, nhưng bạn không chắc rằng mình cần tìm người như thế nào. Việc thuê đúng nhân viên vào thời điểm khởi đầu là rất quan trọng vì những người này sẽ giúp bạn định hình tương lai của công ty bạn theo nhiều cách khác nhau. Bạn cũng sẽ không cần phải nghĩ chuyện tìm người thay thế, mà sẽ có thời gian cho những chuyện lớn khác.
Vào lúc này, hãy dành ưu tiên cho những cá nhân dễ thích nghi và đa tài. Họ có thể là chuyên viên trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, nhưng bất kỳ việc nào bạn giao cho họ thì bạn có thể an tâm là sẽ được hoàn tất xuất sắc.
Điều tốt nhất cho bạn là tuyển được một nhóm có tiềm năng trở thành CEO, những người hiểu được toàn thể công việc kinh doanh và có khả năng bổ sung các giá trị cần thiết bất cứ khi nào cần.
Dưới đây là 7 tố chất quan trọng nhất mà bạn cần chú ý.
1. Không ngại vất vả
Ngay từ đầu, bạn sẽ cần những nhân viên tháo vát. Thay vì ném tiền bạc và thời gian một cách vô tội vạ vào các vấn đề, những người này sẽ tìm kiếm một giải pháp thực sự có hiệu quả. Hãy hỏi những ứng viên của bạn về những tình huống mà họ đã vận dụng được sự sáng tạo để giải quyết vấn đề.
Sau đây là vài câu hỏi dùng để kiểm tra xem ứng cử viên có thực sự tháo vát hay không:
- Điều gì bạn thích làm nhưng lại khó để nắm vững?
- Vì sao bạn thích làm việc này?
- Bạn bắt đầu niềm đam mê đấy như thế nào?
- Tại sao bạn lại tiếp tục theo đuổi, hoặc tại sao bạn lại quyết định dừng?
2. Biết tiết kiệm
Các nhân viên đầu tiên của bạn nên biết cách quan tâm tới từng đồng ra vào trong quá trình kinh doanh, như thể quan tâm đến túi tiền riêng của mình vậy. Bất cứ khi nào họ mua dụng cụ, vật liệu hoặc sử dụng dịch vụ bằng tiền của công ty, họ luôn cân nhắc giá tốt nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Đừng rơi vào cái bẫy suy nghĩ rằng tài khoản của bạn sẽ luôn dễ dàng được rót tiền. Bên cạnh đó, mỗi đồng tiền bạn vất vả kiếm được phải được chi vào đúng mục đích để giúp công ty phát triển và thịnh vượng.
Những nhân viên có lương tâm sẽ hiểu được điều này. Bất cứ một dự án khởi nghiệp cũng đều có những khó khăn tài chính. Những người biết tìm cách để vượt qua sự thiếu hụt này sẽ là những nhân sự không thể thiếu.
3. Sẵn sàng cống hiến
Những nhân viên đầu tiên của bạn cần phải là những người được thôi thúc vì những động lực khác thường. Ứng viên lý tưởng là người sẽ muốn trở thành một phần trên con đường khởi nghiệp của bạn. Họ luôn háo hức đối mặt với thách thức và được bước trên những chặng đường chưa ai đi.
Tiền bạc và danh vọng không phải là sự thu hút chính đối với những người này. Những nhân viên này muốn chứng minh năng lực và lý tưởng bản thân. Họ sẵn sàng từ chối mức lương cao hơn từ các công ty khác để đến với bạn.
4. Có khả năng tập trung
Những ứng viên được thuê ban đầu nên có khả năng tập trung cao độ vào một mảng nhất định nào đó trong việc kinh doanh, điều có thể khiến bạn khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và giúp doanh nghiệp của bạn thành công.
Khách hàng của bạn quan tâm đến điều gì nhất? Tại sao họ lại chọn bạn chứ không phải các đối thủ khác? Đây là những điều mà nhân viên của bạn nên quan tâm. Khả năng tập trung chính là đòn bẩy mấu chốt để thúc đẩy công việc kinh doanh của bạn.
Ví dụ, khi bạn cần một nhân viên marketing online, tốt nhất hãy chọn người có khả năng tập trung vào việc hiểu biết và nắm bắt tất cả các kênh thu thập khách hàng, rồi ngay sau đó xoáy sâu vào những kênh có thể đem lại giá trị cao nhất cho công ty. Bằng không, bộ phận marketing của bạn sẽ cứ chi tiền vào những chiến dịch và kênh thu thập vô bổ, kém hiệu quả.
5. Dám nghĩ dám làm
Những nhân sự ban đầu nên có đủ thông minh để tự đưa ra quyết định. Họ không cần phải họp hay thông qua tầng tầng lớp lớp giấy tờ nào để hoàn thành mọi việc cả. Họ biết những gì họ cần làm, và họ sẽ thực hiện ngay khi có thể. Thuê những người biết làm, đừng mướn những người chỉ biết nói.
Khi bạn đang đánh giá ứng viên, hãy tìm những người không chỉ sẵn sàng hành động mà còn có thể đưa ra được những nhận định đáng tin tưởng. Việc khởi nghiệp bao giờ cũng là một cuộc đua siêu tốc. Vì thế, bạn cần những người có khả năng suy nghĩ và hành động thật nhanh.
6. Phù hợp với giá trị và văn hóa của công ty
Sự hòa hợp văn hóa sẽ đóng vai trò quyết định xem nhân viên mới sẽ hòa nhập tốt như thế nào với đội ngũ đang có của công ty.
Một cách đánh giá nhanh chóng mà bạn có thể dùng là đặt ra 2 câu hỏi sau:
- Bạn có muốn uống bia với người này không?
- Bạn cảm thấy như thế nào nếu đi dã ngoại với người này?
Cuối cùng, liệu bạn có khả năng làm việc cùng nhau mà không quay ra sát phạt nhau được không? Và liệu họ có giúp cho đội nhóm và công ty của bạn trở nên tốt hơn không?
Trong khi đó, sự hòa hợp về giá trị sẽ đảm bảo cho nhân viên luôn đồng lòng theo đuổi nhiệm vụ của bạn và mục đích của công ty. Hòa hợp văn hóa là thứ có ý nghĩa ở tầm công việc hàng ngày, còn hòa hợp về giá trị có ý nghĩa về lâu dài. Hãy xác định cụ thể các giá trị mà bạn theo đuổi: Tại sao bạn lại chọn ngành kinh doanh này? Và bạn đang cố gắng đạt được mục đích gì?
Tuy nhiên, việc tuyển dụng hướng đến phù hợp văn hóa và giá trị không có nghĩa là việc bạn chỉ thuê người tương đồng với bản thân mình. Họ cần phải có khả năng làm việc được với bạn, và chia sẻ được những giá trị của bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phải giống y hệt bạn. Hãy hướng đến sự đa dạng trong việc tuyển dụng nhân viên, sao cho mọi người có thể khác nhau về điểm này hay điểm kia nhưng đều theo đuổi chung một mục đích.
7. Khiêm tốn
Trong giai đoạn đầu thành lập công ty, bạn sẽ thấy mình như một diễn viên phải đóng nhiều vai khác nhau. Một phút trước, bạn còn đang thảo luận về những hợp đồng trị giá triệu USD nhưng có thể vài phút sau, bạn lại phải bận rộn rửa chén cho buổi tiệc của công ty.
Mọi nhân viên nên sẵn sàng đóng góp theo nhiều cách khác nhau, đôi khi chỉ đơn giản là biết giữ cho nhà bếp luôn sạch sẽ. Những công ty khởi nghiệp thành công là nơi có được những nhân viên không để tính tự mãn chen chân vào con đường thành công.
Ý NHI (theo Entrepreneur)/NCĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét