Theo kế hoạch của Cục Quản lý lao động ngoài nước, một số thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan... vẫn là những thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, một số thị trường như: Thái Lan, Algeria, Angola cũng sẽ tiếp tục tiếp nhận thêm lao động từ các doanh nghiệp Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2015, cả nước đã có 115.980 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có hơn 38 nghìn lao động nữ). Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đưa được trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong năm 2015, Đài Loan và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường có tỷ trọng lớn nhất, trong đó Đài Loan với hơn 67 nghìn người (chiếm 57,87%) và Nhật Bản với 27 nghìn lao động (chiếm 23,23%). Còn lại là một số thị trường khác như: Malaysia (7.354 lao động), Hàn Quốc (6.019 lao động), Ả rập Xê út (3.975 lao động)...
Theo ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2016, tại khu vực Đông Bắc Á, Đài Loan và Nhật Bản vẫn tiếp tục được dự đoán sẽ tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.
Việc Đài Loan mở cửa tiếp nhận lại khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ cũng như cho phép các doanh nghiệp mới của Việt Nam tham gia cung ứng lao động cho thị trường này sẽ là nhân tố làm gia tăng số lượng lao động Việt Nam vào làm việc tại Đài Loan thời gian tới.
Nhận định về thị trường trọng điểm Đài Loan, ông Nam cho rằng, lý do quan trọng khiến người lao động chọn Đài Loan trong năm 2016 là do mức lương cơ bản ở Đài Loan được đánh giá là thuộc dạng khá và tiềm năng lớn cho lao động Việt Nam, chi phí sinh hoạt rẻ, điều kiện tuyển không yêu cầu cao, thời gian đi nhanh, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam…
Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tại khu vực Đông Nam Á, sự kiện Việt Nam và Thái Lan ký kết thỏa thuận hợp tác lao động cũng như việc Thái Lan cho phép hợp pháp hóa cho người lao động Việt Nam làm việc cho 4 ngành nghề cũng sẽ là điểm mới cho thị trường tiếp nhận lao động của Việt Nam.
Khu vực Bắc Phi (Algeria, Angola) cũng đang tiếp tục tiếp nhận thêm lao động từ các doanh nghiệp của Việt Nam. Đối với lao động tay nghề cao, Việt Nam vẫn tiếp tục hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật để đưa 100 ứng viên điều dưỡng sang Đức và 200 ứng viên điều dưỡng sang Nhật.
Một điểm đáng chú ý của thị trường xuất khẩu lao động trong năm 2016 là Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục triển khai quy định giảm phí cho những người đi xuất khẩu lao động tại thị trường Đài Loan.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trong năm 2016 sẽ triệt để thực hiện chấn chỉnh đối với các thị trường về số lượng đơn vị được doanh nghiệp giao nhiệm vụ, nghiêm khắc xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm những quy định này, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thu phí cao hơn mức quy định.
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động cần được biết thông tin về công việc, điều kiện làm việc, nơi làm việc, tiền lương cơ bản, thu nhập, chi phí; các quy định pháp luật, phong tục tập quán của nước tiếp nhận.
Đối với người lao động lựa chọn đi làm việc thông qua doanh nghiệp dịch vụ cần kiểm tra xem doanh nghiệp đó có đúng là doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hay không và đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phiếu trả lời đăng ký hợp đồng chưa.
Người lao động có thể kiểm tra qua trang web www.dolab.gov.vn hoặc gọi điện đến Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở LĐ-TB&XH các địa phương hoặc Văn phòng hỗ trợ lao động nước ngoài.
>> Nghề bỏ việc nhiều nhất 2015: Truyền thông đứng đầu bảng
Phan Hoạt/cand.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét